I. ĐIỀU KIỆN THAY ĐỔI QUYỀN NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Khi ly hôn, nếu hai vợ, chồng có thỏa thuận thì Tòa án sẽ công nhận và giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng theo đúng thỏa thuận của cha, mẹ.
Ngược lại, nếu không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con để giao con cho cha hoặc mẹ nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 2 Điều 81 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014.
Đáng chú ý, trong quá trình quyết định ai nuôi con sau khi ly hôn, nếu con đã đủ 07 tuổi trở lên thì việc giao con cho ai nuôi dưỡng phải xem xét nguyện vọng của con. Riêng con dưới 36 tháng sẽ giao cho mẹ nuôi trừ trường hợp mẹ không đủ điều kiện hoặc có thỏa thuận khác.
Tuy nhiên, thực tế có nhiều trường hợp, sau khi giành được quyền nuôi con, cha hoặc mẹ lại không quan tâm đến con, thậm chí còn bạo lực gia đình… không đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho con thì theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình, người trực tiếp nuôi con có thể được thay đổi.
Cụ thể, khoản 2 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định các căn cứ để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn gồm:
– Sau khi ly hôn, cha và mẹ có thỏa thuận thay đổi người trực tiếp nuôi con để đảm bảo lợi ích lớn nhất cho con.
– Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để đảm bảo quyền lợi về mọi mặt cho con trong việc chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng, giáo dục con.
– Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.
Đặc biệt, khoản 4 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình nêu rõ:
Trong trường hợp xét thấy cả cha và mẹ đều không đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì Tòa án quyết định giao con cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự.
Trong đó, con chỉ được giao cho người giám hộ theo căn cứ tại khoản 1 Điều 47 Bộ luật Dân sự khi cha, mẹ bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền với con, cha mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con, cha mẹ đều bị hạn chế năng lực hành vi dân sự… và có yêu cầu người giám hộ.
Như vậy, nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì cha, mẹ có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.
II. AI CÓ QUYỀN YÊU CẦU THAY ĐỔI QUYỀN NUÔI CON
Bởi sau khi ly hôn, Tòa án sẽ giao quyền trực tiếp nuôi con cho một trong hai bên vợ hoặc chồng có đủ điều kiện chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Do đó, khi yêu cầu thay đổi quyền nuôi con, trước hết người quyền sẽ là cha, mẹ của đứa trẻ đó.
Cụ thể, khoản 1 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định:
Trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức được quy định tại khoản 5 Điều này, Tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Theo quy định này, người có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn là cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức khác.
Trong đó, căn cứ khoản 5 Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình, nếu người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp nuôi con thì các cá nhân, tổ chức sau đây có quyền thay đổi người trực tiếp nuôi con gồm:
– Người thân thích. Khoản 19 Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình giải thích, đây là người có quan hệ hôn nhân, nuôi dưỡng, có cùng dòng máu về trực hệ và có họ trong phạm vi ba đời. Do đó, người thân thích có thể là ông, bà, cô, dì, chú, cậu, mợ…
– Cơ quan quản lý Nhà nước về gia đình, trẻ em: Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch…
– Hội Liên hiệp phụ nữ.
Trên đây là quy định của pháp luật về việc PHÁP LUẬT QUY ĐỊNH THẾ NÀO VỀ ĐIỀU KIỆN THAY ĐỔI QUYỀN NUÔI CON SAU LY HÔN? Nếu quý khách hàng đang đối diện với bất kỳ vấn đề pháp lý nào hoặc có câu hỏi cần được giải đáp, đừng ngần ngại liên hệ với chúng tôi thông qua Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến qua số hotline 1900.633.390. Chúng tôi cam kết sẽ phản hồi và hỗ trợ quý khách hàng một cách nhanh chóng và chuyên nghiệp. Chân thành cảm ơn sự hợp tác và sự tin tưởng của quý khách hàng!