MỨC CẤP DƯỠNG NUÔI CON CỦA NGƯỜI KHÔNG TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Ly hôn là giải pháp mà nhiều cặp vợ, chồng lựa chọn để giải thoát cho nhau khi mối quan hệ tình cảm vợ chồng đã đi đến hồi kết hoặc những mâu thuẫn không thể hòa giải dẫn đến không thể kéo dài cuộc hôn nhân. Vậy sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con chung có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con không? Và mức cấp dưỡng nuôi con được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng Luật Nguyên Phát tìm hiểu về vấn đề này nhé!
- NGHĨA VỤ CẤP DƯỠNG
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 107 Luật HN&GĐ năm 2014: “Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác không thể chuyển giao cho người khác”.
Đây là nghĩa vụ của người có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người được cấp dưỡng. Do đó, không phân biệt người được cấp dưỡng có khả năng, điều kiện về kinh tế hay không, thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn phải cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng khi có yêu cầu.
- MỨC CẤP DƯỠNG NUÔI CON CỦA NGƯỜI KHÔNG TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN
Về mức cấp dưỡng nuôi con quy định tại Khoản 1 Điều 116 Luật HN&GĐ năm 2014 như sau: “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”.
Theo quy định tại Điểm c Mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật HN&GĐ năm 2000 quy định về mức cấp dưỡng như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.
Căn cứ vào các quy định nêu trên, nếu các đương sự có sự thỏa thuận về mức cấp dưỡng thì Tòa án căn cứ vào sự thỏa thuận này để quyết định mức cấp dưỡng. Trường hợp không thỏa thuận được và có yêu cầu, thì Tòa án phải xem xét, giải quyết. Pháp luật không quy định mức cấp dưỡng cụ thể là bao nhiêu để Tòa án áp dụng. Do đó, Tòa án phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng (những chi phí này phải là chi phí hợp lý) để quyết định mức cấp dưỡng hợp lý.
Trên đây là toàn bộ thông tin về mức cấp dưỡng nuôi con của người không trực tiếp nuôi sau khi ly hôn. Nếu muốn được giải đáp chi tiết các vấn đề khác liên quan đến pháp luật về hôn nhân gia đình, có thể sử dụng dịch vụ tư vấn trực tuyến của Luật Nguyên Phát hoặc liên hệ số hotline 1900 633 390 để được giải đáp nhanh nhất.