MỨC CẤP DƯỠNG NUÔI CON THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT NHƯ THẾ NÀO?
Cấp dưỡng cho con khi cha mẹ ly hôn là một nghĩa vụ pháp lý mà cha hoặc mẹ bắt buộc phải làm đối với con, nếu con là người chưa thành niên hoặc đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, khi không là người trực tiếp nuôi dưỡng con sau khi đã chấm dứt quan hệ hôn nhân bằng việc đóng góp tiền hoặc hiện vật tương ứng với nhu cầu thiết yếu của con đồng thời phù hợp với khả năng thực tế của mình để bù đắp những tổn thất về mặt vật chất cho con khi con không được chung sống đồng thời với cha và mẹ.
1. Quy định về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con
Theo quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con; giữa anh, chị, em với nhau; giữa ông bà nội, ông bà ngoại và cháu; giữa cô, dì, chú, cậu, bác ruột và cháu ruột; giữa vợ và chồng theo quy định của Luật này. Nghĩa vụ cấp dưỡng không thể thay thế bằng nghĩa vụ khác và không thể chuyển giao cho người khác”.
Đây là nghĩa vụ của người có nghĩa vụ cấp dưỡng đối với người cấp dưỡng. Do đó, không phân biệt người được cấp dưỡng có khả năng, điều kiện về kinh tế hay không, thì người có nghĩa vụ cấp dưỡng vẫn phải cấp dưỡng cho người được cấp dưỡng, khi có yêu cầu.
2. Mức cấp dưỡng nuôi con
Về mức cấp dưỡng nuôi con quy định tại Khoản 1 Điều 116 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
“Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người dám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”
Trước đây, tại điểm c Mục 11 Nghị quyết số 02/2000/NQ-HĐTP ngày 23/12/2000 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định về mức cấp dưỡng như sau: “Tiền cấp dưỡng nuôi con bao gồm những chi phí tối thiểu cho việc nuôi dưỡng và học hành của con và do các bên thỏa thuận. Trong trường hợp các bên không thỏa thuận được thì tùy vào từng trường hợp cụ thể, vào khả năng của mỗi bên mà quyết định mức cấp dưỡng nuôi con cho hợp lý”.
Có thể thấy, từ quy định trên nếu các đương sự có sự thỏa thuận về mức cấp dưỡng thì Tòa án căn cứ vào sự thỏa thuận này để quyết định mức cấp dưỡng. Trường hợp không thỏa thuận được và có yêu cầu, thì Tòa án phải xem xét, giải quyết. Pháp luật không quy định mức cấp dưỡng cụ thể là bao nhiêu để Tòa án áp dụng. Do đó, Tòa phải căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng (những chi phí này phải là chi phí hợp lý) để quyết định mức cấp dưỡng hợp lý.
Hiện nay, chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là “thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng” và “nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng” theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.
Thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng: Là khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, đó là thu nhập thường xuyên hoặc tuy không có thu nhập thường xuyên nhưng còn tài sản sau khi đã trừ đi chi phí thông thường cần thiết cho cuộc sống của người đó.
Nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng được xem xét và xác định căn cứ vào mức sinh hoạt trung bình tại địa phương nơi người được cấp dưỡng cư trú (thường trú hoặc tạm trú hoặc nơi học tập). Mức sinh hoạt bao gồm các chi phí thông thường cần thiết của người được cấp dưỡng như: chi phí cho việc ăn uống hàng ngày, chi phí về chỗ ở hoặc nơi ở đang ở thuê hay đã có nhà riêng, chi phí về quần áo, chi phí cho việc học hành chi phí về khám chữa bệnh và các chi phí khác để bảo đảm cuộc sống của người được cấp dưỡng. Hoàn cảnh sống của người được cấp dưỡng cũng là yếu tố quyết định về mức cấp dưỡng. Thực tiễn xét xử hiện nay cho thấy, khi quyết định việc cấp dưỡng nuôi con, Toà án thường ấn định mức cấp dưỡng dao động từ 20-30% mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng, nếu trong trường hợp không xác định được mức thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng thì lương tối thiểu vùng sẽ là căn cứ để Tòa án giải quyết vụ việc.
Vì vậy, mức cấp dưỡng được thỏa thuận giữa các bên trong mối quan hệ cấp dưỡng, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.
Trên đây là toàn bộ thông tin về cấp dưỡng nuôi con. Nếu muốn được giải đáp chi tiết các vấn đề khác, quý khách hàng có thể sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý trực tuyến của công ty luật nguyên phát hoặc liên hệ số hotline 1900 633 390 để được giải đáp nhanh nhất.